Ký Thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Trường Đại học Luật Hà Nội với Trường Luật Melbourne - Trường Đại học tổng hợp Melbourne

Đăng vào 01/11/2022 00:00

 

Đăng vào 01/11/2022

Sáng nay, ngày 01/11/2022 (giờ Australia) tại Melbourne, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Bộ Tư pháp tại Australia do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dẫn đầu, PGS. TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và GS. Matthew Harding, Hiệu trưởng Trường Luật, Đại học tổng hợp Melbourne đã ký Thỏa thuận hợp tác mở ra giai đoạn mới đầy hứa hẹn trong quan hệ hợp tác giữa hai trường.

Đoàn công tác Việt Nam cùng với đại diện Trường Luật, Đại học tổng hợp Melbourne chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc

Tham dự và chứng kiến buổi lễ ký kết, về phía Việt Nam có của đ/c Đặng Hoàng Oanh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đ/c Nguyễn Quốc Hoàn - Chánh văn phòng; đ/c Nguyễn Đỗ Kiên - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đ/c Đào Quý Lộc - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đ/c Tô Văn Hoà - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; đ/c Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật Miền nam.

Về phía Trường Luật, Đại học tổng hợp Melbourne Melbourne có Giáo sư Matthew Harding - Hiệu trưởng; Giáo sư Jianlin Chen -  Phó hiệu trưởng; Giáo sư Sean Cooney - Trung tâm Luật Châu Á; GS. Jenny Peterson; Bà Elyse Keyser - Giám đốc Điều hành Trường Luật Melbourne. 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã phát biểu chỉ đạo hai trường tiếp tục có những hình thức hợp tác phong phú về hình thức và sâu sắc về nội dung, khai thác được thế mạnh của mỗi bên; đặc biệt, Trường Luật, Đại học tổng hợp Melbourne có thể trao đổi kinh nghiệm, cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ tư pháp của Việt Nam, tương tự các khóa đang triển khai trong khu vực.

Thỏa thuận hợp tác lần này là sự tiếp nối thành công của Thỏa thuận hợp tác được ký kết năm 2005 giữa hai trường. Đây là minh chứng cho sự phát triển không ngừng trong quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu luật giữa hai bên, đánh dấu cho việc hai Trường bắt đầu một giai đoạn hợp tác mới đi vào chiều sâu, đa dạng hơn về thành phần tham gia, phong phú và sâu sắc hơn về hình thức hợp tác. Thỏa thuận hợp tác sẽ góp phần tích cực cho việc thực hiện thành công Đề án “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, xây dựng Trường đại học Luật thành Trường đại học theo định hướng nghiên cứu, vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh ký ngày 30/9/2022, đóng góp hiệu quả cho công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác này có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký, trừ trường hợp chấm dứt hiệu lực sớm hơn hoặc được mở rộng theo quy định. Ngay sau khi ký kết, hai bên sẽ tiến hành các cuộc họp ở cấp thực thi để xác định phạm vi, hình thức các hoạt động hợp tác thiết thực cho từng năm. Một năm trước khi kết thúc thời hạn, hai Trường sẽ đánh giá thực hiện, xem xét, quyết định ký kết Thỏa thuận hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Thoả thuận hợp tác tập trung về chương trình trao đổi học giả; Chương trình hợp tác nghiên cứu, đồng nghiên cứu, hợp tác công bố quốc tế; trao đổi thông tin; hợp tác đào tạo. Trong đó với chương trình trao đổi học giả: Mỗi Trường sẽ thực hiện việc trao đổi học giả với Trường đối tác. Nếu không có bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào khác với Thỏa thuận này, các chi phí bao gồm tiền lương, tiền đi lại, ăn ở và các chi phí cần thiết khác sẽ do Trường cử học giả chi trả. Trường tiếp nhận học giả sẽ cung cấp các dịch vụ thông thường bao gồm cơ sở thư viện cho các học giả. Trong chừng mực có thể, Trường tiếp nhận sẽ hỗ trợ sắp xếp chỗ ở cho học giả và tư vấn cho học giả các vấn đề về sưc khỏe, ngôn ngữ và phong tục địa phương. Với Chương trình hợp tác nghiên cứu: Hai Trường sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghiên cứu và sẽ thống nhất quyết định chi tiết các chương trình nghiên cứu cụ thể. Hình thức hợp tác sẽ thay đổi tùy theo mục đích của từng chương trình nghiên cứu. Hai Trường thống nhất, trong trường hợp các nghiên cứu có liên quan đến vấn đề về bảo hộ độc quyền, bản quyền hay các quyền sở hữu trí tuệ khác, sẽ ký một thỏa thuận tiếp theo cho từng trường hợp cụ thể phù hợp với các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ của Đại học Melbourne và Trường Đại học Luật Hà Nội. Về trao đổi thông tin: Hai Trường sẽ được khuyến khích thực hiện việc trao đổi văn hóa và học thuật, trao đổi tài liệu nghiên cứu, các ấn phẩm và thông tin. Mỗi Trường sẽ mời bên đối tác tham dự các hội thảo, hội nghị và các chuyến thăm ngắn ngày khi phù hợp.

Trường Luật Melbourne - Trường Đại học tổng hợp Melbourne

Trường Đại học Melbourne là một viện đại học công lập ở Melbourne, Victoria, Úc. Được thành lập vào năm 1853, Melbourne là cơ sở giáo dục đại học lâu đời thứ hai tại Úc và lâu đời nhất tại tiểu bang Victoria.

Bên cạnh khuôn viên chính Parkville ngay phía bắc khu trung tâm thành phố, Trường Đại học Melbourne còn có nhiều khu trường sở khác nằm rải rác trên toàn tiểu bang. Là một trường lâu đời bậc nhất của nước Úc được biết đến một cách thông tục là "sandstone university", Trường Đại học Melbourne còn là thành viên của các hiệp hội như Nhóm 8, Universitas 21 và Hiệp hội mạng lưới các viện đại học vùng vành đai Thái Bình Dương. Trường có một trong những nguồn lực tài chính lớn nhất của bất kỳ trường đại học Úc, với mức bảo trợ thường niên năm 2013 lên đến 1,86 tỷ đô la Úc.

Trường Đại học Melbourne luôn đứng đầu trong số các trường đại học tốt nhất tại Úc và trong nhóm các trường đại học tốt trên thế giới. Trường hiện đang xếp hạng hàng đầu tại Úc và đứng thứ 37 trên thế giới trong xếp hạng 400 trường đại hàng đầu thế giới của Thời báo Giáo dục Đại học 2013-2014, trong khi bảng xếp hạng các trường đại học của QS năm 2014 xếp Melbourne ở vị trí số 33 toàn cầu.

Trường Đại học Melbourne có hơn 42.000 sinh viên cùng đội ngũ cán bộ nhân viên hơn 7.300 người, trong đó có 3.700 giảng viên và giáo sư đại học.