Trường Đại học Luật Hà Nội mở rộng các hình thức hợp tác với Trường Luật, Đại học Washington, Hoa Kỳ

Đăng vào 06/12/2022 00:00

 

Đăng vào 06/12/2022

Trong ngày 05 - 06/12/2022 TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã cùng đoàn công tác của trường đến thăm, làm việc và ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trường Luật, Đại học Washington, Hoa Kỳ. 

 

Tham gia đoàn công tác Trường Đại học Luật Hà Nội còn có PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Văn Quang – Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Bà Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Phòng Tài chính kế toán và ThS. Nguyễn Thu Thủy – Phó trưởng Phòng Đào tạo Đại học. 

Tiếp và làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội, phía Đại học Washington có GS. Jeff Riedinger, Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng các vấn đề toàn cầu Đại học Washington; GS Tamara Lawson - Hiệu trưởng Trường Luật, Đại học Washington; GS. Nguyễn Xuân Thảo, Trưởng chuyên ngành luật; Giám đốc, Trung tâm Luật Châu Á, Trường Luật, Đại học Washington và đông đảo các đồng nghiệp khác của Đại học Washington.

 

Tại lễ ký kết, TS Đoàn Trung Kiên bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Bên, thúc đẩy trao đổi học thuật, văn hóa trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và các hoạt động khác. Các bên đã bàn bạc, thống nhất và cùng nhau kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác cùng nhau nhằm hướng đến quốc tế hóa hoạt động đào tạo luật với các chương trình hợp tác sau đây:

1. Các chương trình sau đại học, bao gồm chương trình thạc sĩ (MJ, LLM) và tiến sĩ (PhD).

2. Hội nghị, hội thảo chuyên đề, hoặc tọa đàm chuyên môn được phối hợp tổ chức giữa hai Trường.

3. Trao đổi giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu, bao gồm cả các cán bộ của Bộ Tư pháp, Việt Nam - cơ quan chủ quản của HLU.

4. Chương trình trao đổi học giả.

5. Các hình thức hợp tác khác phù hợp với lợi ích của các Bên.

Trước đó, Đoàn công tác đã thăm Thư viện Trường Luật, Đại học Washington và trao đổi với các chuyên gia thư viện về khả năng hợp tác và chia sẻ nguồn học liệu, đặc biệt là nguồn học liệu số giữa hai cơ sở đào tạo.

 

Chiều cùng ngày, đoàn cũng tham dự Hội thảo tại Trường Luật, Đại học Washington. Tại Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng và PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã có bài thuyết trình về chủ đề: “Đào tạo luật ở Việt Nam: Lịch sử, hiện tại và tương lai” . Thuyết trình này đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả tham dự buổi Hội thảo, trong đó có GS. Michael Walstrom, Giám đốc điều hành, Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Washington; Giáo sư Celia Lowe, Tiến sĩ, Nhân chủng học và Nghiên cứu Quốc tế; Giám đốc, Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Washington; GS. Judith Henchy, Ph.D., MLIS, Trưởng phòng Đông Nam Á, Trợ lý đặc biệt cho Hiệu trưởng Đại học Washington; Cô Alena Wolotira, J.D., M.L.I.S., Trưởng phòng Dịch vụ Công, Thư viện Luật UW Gallagher và các giáo sư khác.

Qua các buổi làm việc, TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ vui mừng và đánh giá cao về sự phát triển của quan hệ hai Trường. Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Luật, Đại học Washington mở ra nhiều cơ hội hợp tác và góp phần thúc đẩy quan hệ đốitác giữa hai Trường ngày càng phát triển và bền chặt, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các giảng viên, sinh viên của cả 2 Trường. Ngay sau lễ kí kết, Hiệu trưởng, TS. Đoàn Trung Kiên đã có những bàn bạc cụ thể để triển khai các hoạt động hợp tác với Trường Luật Đại học Washington từ Quý I năm 2023, hiện thực hóa nội dung Bản ghi nhớ hợp tác đã được hai Trường kí kết.

Sau lễ ký kết, ngày 06/12/2022 TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã cùng đoàn công tác của trường làm việc với lãnh đạo Chương trình Luật, Tư pháp và Xã hội của Đại học Washington.

 

Tiếp và làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội, phía Đại học Washington có Giáo sư Katherine Beckett, Chủ tịch kiêm Khoa Luật, Xã hội & Tư pháp; Giáo sư Xã hội học - S. Frank Miyamoto và các Giáo sư Khoa Luật, Xã hội & Tư pháp: Giáo sư Stephen Meyers, Giáo sư Ann Frost; Bà Kat Eli, Giám đốc Dịch vụ Học thuật, Khoa Luật, Xã hội & Tư pháp; Christine Cimini, Phó Trưởng khoa Học tập Trải nghiệm; Tiến sĩ Anna Bosch, Chương trình Học giả Luật thỉnh giảng; Jennifer Lenga-Long, Phó Giám đốc, Chương trình Sau đại học về Phát triển Quốc tế Bền vững;T erry Price, Phó giáo sư giảng dạy, Giám đốc điều hành, Giáo dục sau đại học, Khoa Luật, Xã hội & Tư pháp.

Tại buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi hiệu quả về việc học tập và giảng dạy luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Washington, mở ra nhiều cơ hội trao đổi nghiên cứu và học thuật cho giảng viên và sinh viên hai Trường, bao gồm: các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên; chương trình khóa học ngắn hạn cho sinh viên hai trường và chương trình liên kết đào tạo ở các bậc học cử nhân và sau đại học.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Trường cũng đến tham dự giờ giảng của Giáo sư Nguyen Xuan Thao và buổi thuyết trình của sinh viên Trường Luật, Đại học Washing ton về chủ đề Luật Đầu tư Mạo hiểm.

 

Đại học Washington, Seattle

          Được thành lập vào năm 1861, trường Đại học Washington là một cơ sở nghiên cứu công lập – nơi sở hữu một khuôn viên hàng đầu nằm ở Seattle, Washington. Ngôi trường này còn giành được giải thưởng Nobel, trên 80 giải của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia và trên 90 giải của Học viện Mỹ thuật và Khoa học Hoa Kỳ. UW cung cấp các khóa đào tạo cử nhân, cao học và tiến sĩ với 1800 khóa học được tổ chức tại 16 trường cao đẳng và Đại học trực thuộc trường. Đặc biệt trường nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu. Đại học Washington có 3 cơ sở tại Seattle (cơ sở chính, lớn nhất), Tacoma và Bothell. 

Trường Luật, Đại học Washington

           Trường Luật là 1 trong 16 trường thành viên, là cơ sở công lập lâu đời và hàng đầu về đào tạo luật. Trường Luật, Đại học Washington là một trong những trường luật công lâu đời nhất và hàng đầu Hoa Kỳ. Đại học Washington là một trong những tổ chức nghiên cứu và giáo dục đại học công lập ưu việt trên thế giới. Xếp thứ 5 trong Top 100 trường đại học sáng tạo nhất thế giới của Reuter, UW có hơn 100 thành viên của Học viện quốc gia, đào tạo hơn 54.000 sinh viên hàng năm và kể từ năm 1974, là một trong năm trường đại học hàng đầu nhận được tài trợ nghiên cứu của liên bang.

Những thành tích nổi bật của trường Đại học Washington

- Trong bảng xếp hạng năm 2007 của tờ US News & World Report về “Các trường đại học ưu hạng Hoa Kỳ,” University of Washington được xếp vào tầng 1 của các viện đại học quốc gia và thứ 11 trong số tất cả các trường đại học công lập tại Mỹ.

- Tạp chí Entrepreneur xếp hạng Trung Tâm Phát Kiến (Center for Innovation) của UW vào hàng thứ 5 trong số những trung tâm hàng đầu tại Hoa Kỳ.

- Tuần san kinh tế uy tín The Economist của Anh xếp hạng Chương Trình Ðào Tạo Giám Ðốc thuộc bậc cao học tại University of Washington vào hàng thứ 3 tại Hoa Kỳ.

- Tuần san Newsweek xếp hạng trường UW đứng thứ 22 trên thế giới trong cuộc thăm dò mệnh danh “Top 100 Global Universities” (100 Ðại Học Thượng Thặng Toàn Cầu).

- University of Washington đứng thứ 13 trong những trường đại học trên thế giới trong năm 2017 của ấn bản Academic Ranking of World Universities (Ðẳng Cấp Nghiệp Vụ Giáo Dục Các Ðại Học Thế Giới). Chính tờ The Economist cũng có bản đánh giá tương tự đối với Ðại Học Washington.

Chương trình đào tạo tại Đại học Washington

Trường cung cấp các chương trình bậc đại học, cao học và bằng đào tạo chuyên ngành 

- Chương trình Tiếng Anh: Trường cung cấp nhiều chương trình tiếng Anh khác nhau cho sinh viên được thiết kế theo các nhu cầu khác nhau của sinh viên quốc tế. Bên cạnh việc giúp sinh viên nâng cao khả năng tiếng Anh còn giúp sinh viên hiểu biết thêm về văn hóa Mỹ.

- Khoa nhân văn bao gồm: Lịch sử và Nghệ thuật, Kịch,, Tiếng Anh, Ngôn ngữ hiện đại, Âm nhạc, Tâm lí học và Tôn giáo

- Khoa Khoa học tự nhiên bao gồm: Sinh học, Hóa học, Khoa học trái đất và hành tinh, Kỹ sư, Nghiên cứu môi trường, Toán và Khoa học Máy tình, Điều dưỡng, Dược,  Vật lý, Tiền y khoa

- Khoa Xã hội học bao gồm: Luật học, Đất nước học, Nhân chủng học, Quản trị Kinh doanh, Tội phạm học, Kinh tế học, giáo dục, Môi trường, Giới tính học, Lịch sử, Quốc tế học, Chính trị học