Trường Đại học Luật Hà Nội: Bàn về những vấn đề mới trong Tư pháp Quốc tế
Sáng qua (18/11), tại Trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Toạ đàm “Những vấn đề mới trong Tư pháp Quốc tế”.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Toạ đàm được tổ chức nhằm đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực tư pháp quốc tế mà Bộ Tư pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội xác định là trọng tâm hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị LaHay nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình hội nhập của đất nước.
Với mong muốn trở thành một điểm đến của tri thức trong nước và quốc tế cũng như là diễn đàn rộng rãi để các nhà nghiên cứu, giảng dạy, những người làm công tác thực tiễn và hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi và thảo luận, phân tích những vấn đề mới được đặt ra trong pháp luật và thực tiễn Tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp phối hợp chủ trì tổ chức Toạ đàm “Những vấn đề mới trong Tư pháp Quốc tế”. Toạ đàm là cơ hội để các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi ý kiến, quan điểm khoa học về các vấn đề liên quan đến Tư pháp quốc tế. Đồng thời đây là cơ hội để học hỏi từ những quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này như Nhật Bản sẽ đưa lại cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý giá và phù hợp với tình hình phát triển trong thời kỳ mới.
Tại Toạ đàm, Tổng thư ký Hội nghị LaHay về Tư pháp quốc tế Dr. Christophe Bernasconi đã trình bày về khả năng áp dụng các quy định của bộ nguyên tắc Lahay về lựa chọn luật áp dụng đối với các hợp đồng trong nền kinh tế số. Qua đó, kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thực thi quy định của Công ước LaHay 1965 về tống đạt giấy tờ tài liệu tư pháp và ngoài tư pháp ra nước ngoài cũng được ông Kazuaki Takahashi, Luật sư Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chia sẻ chi tiết.
Các đại biểu tại toạ đàm đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng và đề xuất hoàn thiện pháp luật về Tư pháp quốc tế tại Việt Nam, khả năng xây dựng một đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế để đáp ứng nhu cầu hội nhập và điều chỉnh các giao lưu dân sự quốc tế.
Nhấn mạnh Bộ nguyên tắc LaHay 2015 về “Các nguyên tắc lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế” (HĐTMQT) là văn kiện pháp luật quốc tế nhằm thống nhất hóa các nguyên tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong quá trình đàm phán ký kết HĐTMQT cũng như để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó, TS Nguyễn Thái Mai (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, Bộ nguyên tắc này đã và đang được nhiều tổ chức trọng tài trên thế giới công nhận và áp dụng khi xác định pháp luật áp dụng cho HĐTMQT trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên.
Để cho việc lựa chọn pháp luật cho hợp đồng có yếu nước ngoài nói chung và HĐTMQT nói riêng được áp dụng một cách thống nhất, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể, TS Nguyễn Thái Mai đề xuất pháp luật Việt Nam cần cụ thể thêm một số nội dung như: cần có hướng dẫn pháp luật được các bên lựa chọn không bắt buộc phải có mối liên hệ mật thiết với hợp đồng; cần quy định hình thức lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng không bắt buộc bằng hình thức văn bản, theo đó sự lựa chọn pháp luật áp dụng có thể là một điều khoản của HĐTMQT hoặc được ngầm hiểu qua các quy định của hợp đồng hoặc hoàn cảnh khi ký kết hoặc thực hiện hợp đồng đó; cần có hướng dẫn pháp luật được các bên lựa chọn có thể bao gồm cả các Bộ Nguyên tắc chung được áp dụng rộng rãi trên thế giới; cần cho phép các bên chủ thể có quyền lựa chọn nhiều nguồn luật khác nhau để điểu chỉnh hợp đồng…
H.Giang - Báo Pháp luật Việt Nam